Ngày 03/3/2023, Ủy ban Châu Âu ban EU ban hành Quy định (EU) 2023/466 sửa đổi Phụ lục II, III và V của Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện và của Hội đồng Châu Âu liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) đối với hoạt chất isoxaben, novaluron và tetraconazole trong hoặc trên một nông sản thực phẩm bao gồm các nhóm rau, củ, quả tươi và đông lạnh; nhóm các loại hạt, điều cà phê, chè, nhóm sản phẩm gia vị, ngũ cốc, hạt có dầu và sản phẩm động vật trên cạn thịt các loại, trứng sữa, mật ong… Mức MRL các hoạt chất trên các loại sản phẩm khác nhau từ 0,01 mg/kg. Tuy nhiên, EU cũng đưa ra mức quy định dư lượng MRL của một trong các hoạt chất trên từ 0,05 mg/kg, 0,07 thậm chí 1,5 mg/kg trong các nhóm sản phẩm như rau, củ rau gia vị, thịt và nội tạng động vật. Năm 2023, EU tập trung sửa đổi rất nhiều các quy định MRL tại Quy định (EC) số 396/2005. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 26/9/2023.
Cùng ngày 03/3/2023, Ủy ban Châu Âu ban EU cũng ban hành Quy định mới số (EU) 2023/465 sửa đổi Quy định (EC) số 1881/2006 liên quan đến mức MRL Asen tối đa trong một số loại thực phẩm. Cụ thể Quy định Mức dư lượng Asen đối với gạo, các sản phẩm chế biến từ gạo, thực phẩm dinh dưỡng trẻ em, nước hoa hoa quả, sản phẩm hoa quả cô đặc, muối. Ngưỡng MRL Ascen dao động từ 0,01 đến 0,15 mg/kg sản phẩm. Quy định này áp dụng trực tiếp trên tất cả các thành viên EU và có hiệu lực từ ngày 26/3/2023.
EU thay đổi mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật dưới nước nhập khẩu vào EU
Ngày 8/3/2023, Ủy ban Châu Âu ban hành Quy định (EU) 2023/516 sửa đổi Phụ lục II Quy định (EU) 2020/2236 về mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu vào EU đối với các lô hàng động vật thủy sinh phục vụ nuôi trồng thủy sản, thả phóng sinh vào tự nhiên hoặc phục vụ cho các mục đích khác, không bao gồm phục vụ cho mục đích tiêu dùng trực tiếp của con người. Chi tiết Mẫu chứng giấy chứng nhận kiểm dịch động vật xuất khẩu quy định tại Phụ lục II Quy định (EU) 2020/2236 và Quy định này có hiệu lực ngay sau khi đăng công báo EU áp dụng trực tiếp đối tại các thành viên EU.
Tuy nhiên, Quy định 2023/516 cũng quy định thời gian chuyển tiếp áp dụng mẫu giấy chứng nhận cũ đối với các lô hàng động vật thủy sinh nhập khẩu vào EU phục vụ nuôi trồng thủy sản, thả phóng sinh vào tự nhiên hoặc phục vụ cho các mục đích khác, không bao gồm phục vụ cho tiêu dùng trực tiếp của con người cho đến ngày 15/9/2023.
Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn về mẫu chứng thư của EU số 2020/2235, hay 2021/608 đều yêu cầu rằng với các chứng thư gồm nhiều trang thì các trang cần được đánh số liên tục, trên mỗi trang có mã đặc định của chứng thư, dấu của cơ quan có thẩm quyền và chữ ký của người xác nhận. Đề nghị các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý quy định bổ sung này.
Quy định mới của EU về các biện pháp khẩn cấp và tạm thời kiểm soát an toàn thực phẩm
Ngày 07/6/2023, EU đã đăng công báo Quy định (EU) 2023/1110 ký ngày 06/6/2023 sửa đổi Quy định 2019/1973 về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU. Theo đó, EU đã chính thức đưa các loại mỳ ăn liền của Việt Nam từ Phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại Biên giới là 20%. Như vậy, kể từ ngày 27/6/2023, các mặt hàng mỳ ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Quy định có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo.
Cũng tại Quy định này, ớt chuông từ Việt Nam vẫn nằm trong phụ lục I với tần suất kiểm tra 50% tại cửa khẩu; Đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20%. Điều này có nghĩa là các mặt hàng nông nghiệp không có thay đổi so với quy định của 6 tháng trước.
Như vậy, chỉ 6 tháng sau khi EU thông qua quy định kiểm soát khẩn cấp đối với các loại bún, miến mỳ của Việt Nam (hiệu lực từ ngày 01/01/2022), Việt Nam đã thành công thuyết phục EU đưa bún miến, các sản phẩm từ gạo ra khỏi danh mục quản lý an toàn thực phẩm và 18 tháng sau thì thành công đưa mỳ ăn liền từ phụ lục II (kiểm soát theo chứng thư và tại cửa khẩu) sang phụ lục I (kiểm soát tại cửa khẩu). Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn và kịp thời của Bộ Công Thương trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như tích cực hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc EU vẫn duy trì kiểm soát tại cửa khẩu với tần suất 20% đòi hỏi Việt Nam luôn phải duy trì tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mỳ ăn liền. Nếu trong 6 tháng cuối năm 2023, mỳ ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU có nhiều vụ vi phạm quy định an toàn thực phẩm thì lộ trình tiếp theo của EU sẽ là tăng giám sát lên mức 50% tại cửa khẩu và sau đó là đưa quay lại phụ lục II. Nếu mỳ ăn liền của Việt Nam bị đưa lại về phụ lục II (như trường hợp của thanh long), thì quá trình thuyết phục EU đưa lại phụ lục I là khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy, đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu mỳ ăn liền của Việt Nam phải liên tục kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, và kể cả xem xét áp dụng các biện pháp tự nguyện như tự xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm uy tín đối với các lô hàng mỳ ăn liền xuất khẩu vào EU.
Quy định mới của EU đối với một số sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng
Ngày 9/6/2023, EU đã đăng công báo Quy định (EU) 2023/1115 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về đưa vào lưu thông và xuất khẩu một số sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng, thay thế quy định số 995/2000. Theo đó, các mặt hàng phải thực hiện nghĩa vụ giải trình gồm gia súc, ca cao, cà phê, cọ và dầu cọ, cao su, đỗ tương, gỗ. Quy định này có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo.
Phong Linh