Dịch chuyển sản xuất về gần nơi tiêu thụ (nearshoring). Tự động hóa. Đa dạng hóa nhà cung cấp. Phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp đang điều chỉnh hoạt động của họ để thích ứng với những sự thay đổi từ thị trường và cả từ địa chính trị.
Vào đầu năm 2023, thước đo về sự căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu giảm xuống xuống mức trước đại dịch Covid-19, và cho thấy tình trạng thiếu sản phẩm, tắc nghẽn cảng và gián đoạn trong vận tải biển suốt ba năm qua đã kết thúc, và một kỷ nguyên mới về sự ổn định đang dần hiển hiện.
Nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng “sự trở lại bình thường”, như Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực New York đã mô tả sau khi công bố Chỉ số Áp lực Chuỗi Cung ứng Toàn cầu (GSCPI) vào tháng 2, không có nghĩa là doanh nghiệp đang quay trở lại với chuỗi cung ứng thông thường của họ.
Thay vào đó, theo các học giả và chuyên gia tư vấn, với những kinh nghiệm thu được từ giai đoạn đại dịch, cùng với những thay đổi về địa chính trị, đang dẫn đến những thay đổi rộng lớn hơn, dài hạn hơn trong cách thức các doanh nghiệp quản lý dòng lưu chuyển hàng hóa, từ nguồn việc mua nguyên liệu thô đến sản xuất và phân phối sản phẩm.
Những thay đổi như vậy có thể nhìn thấy tại các nhà máy ở Ấn Độ, các nhà máy lắp ráp ô tô ở miền Bắc Mexico, các cảng container từ khu vực đông nam nước Mỹ đến khu vực Đông Phi, các mỏ khoáng sản ở Canada và Thụy Điển. Các địa điểm này là nơi các công ty đang triển khai các nguyên tắc như khả năng phục hồi nhanh chóng, khu vực hóa và đa dạng hóa nhà cung cấp, những nguyên tắc trở thành ưu tiên khi doanh nghiệp đương đầu với những sự gián đoạn nghiêm trọng phát sinh từ đầu năm 2020, thời điểm bắt đầu đại dịch.
Sự hỗn loạn của chuỗi ung ứng xảy ra khi đại dịch Covid-19 tác động đến hoạt động của các công ty, với tình trạng thiếu hụt đột ngột các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và sau đó việc các nhà máy phải đóng cửa khiến cho dòng chảy hàng hóa bị gián đoạn. Nhu cầu hàng hóa tăng đột biến trong thời kỳ dịch bệnh cũng khiến cho các con tàu phải chở rất nhiều hàng hóa, còn các cảng bị thì bị tắc nghẽn.
Đến tháng 4/2020, Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng của Fed New York tăng gấp đôi so với mức ghi nhận trong quá trình kinh tế toàn cầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Cuối cùng, chỉ số GSCPI đã giảm trở lại vào đầu năm nay, xuống mức bình thường trong lịch sử tồn tại 25 năm của chỉ số này.
Patrick Van den Bossche, Chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Kearney cho biết nhiều áp lực trước đó và tình trạng thiếu hụt nguồn cung đều đã giảm. Mọi thứ đã bớt căng thẳng hơn nhiều. “Nhưng chúng ta chắc chắn chưa thể trở lại như bình thường, và rất nhiều thứ đã thay đổi”, ông nói.
Đa dạng hóa nguồn cung ứng
Thay đổi dễ nhận thấy là các công ty đa quốc gia giảm phụ thuộc vào hoạt động sản xuất ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, họ cũng sử dụng nhiều công nghệ tự động hóa hơn để duy trì hoạt động của dây chuyền lắp ráp và nhà kho.
Apple đang chuyển một số hoạt động sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Trong khi đó, nhà sản xuất đồ chơi Mattel nằm trong số các công ty đa quốc gia đang mở rộng sản xuất ở Mexico, và thậm chí Hisense, một nhà sản xuất Trung Quốc, đang nghiên cứu khả năng sản xuất các thiết bị gia dụng ở Mexico để bán sang thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có nhiều thay đổi mang tính lâu dài hơn và sẽ tác động lớn hơn đến cách thức mà các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu và linh kiện, nơi họ sản xuất hàng hóa cũng như cách họ vận chuyển thành phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhìn chung, những thay đổi này đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trong cách các công ty đa quốc gia quản lý chuỗi cung ứng kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001, thời điểm mở ra một kỷ nguyên toàn cầu hóa mới.
Các chuyên gia cho biết chuỗi cung ứng sau đại dịch đang được xây dựng với trọng tâm là khu vực hóa, với việc đưa hoạt động sản xuất về địa điểm gần hơn với các thị trường tiêu thụ hàng hóa của họ. Họ cũng đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách mở rộng mạng lưới nhà cung cấp trên khắp thế giới, tránh phụ thuộc vào một nguồn cung ứng đơn lẻ. Bên cạnh đó, họ tăng cường áp dụng công nghệ tự động hóa vào mọi thứ, từ hoạt động kho cho đến các quyết định thu mua.
Những thay đổi này sẽ góp phần giúp chuỗi cung ứng của doanh nghiệp có khả năng ứng phó với rủi ro gián đoạn tốt hơn.
Ông Van den Bossche nhận định, “Doanh nghiệp đang chuyển từ mô hình dựa vào lợi thế quy mô, mô hình hướng đến hiệu quả tài chính cao nhất, sang mô hình có nhiều dự phòng trong mạng lưới chuỗi cung ứng”, và bổ sung, “Việc rời khỏi Trung Quốc, để thay đổi từ việc vận hành chuỗi cung ứng lớn đến câu chuyện khai thác nhiều chuỗi cung ứng khu vực, thực sự chỉ mới bắt đầu. Các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng tìm ra cách thức để dịch chuyển chuỗi cung ứng hiệu quả”.
Rủi ro và lợi ích
Nhà tư vấn Rick Gabrielson, nguyên Giám đốc vận tải cấp cao tại Target và Lowe’s Cos., cho biết nhiều công ty đang xem xét kỹ chiến lược tìm nguồn cung ứng, bao gồm cả việc liệu họ có nên tập trung mua nhiều hàng hóa hoặc linh kiện từ một nước hay một nhà cung cấp duy nhất hay không.
Việc đa dạng hóa nhà cung cấp gần như chắc chắn sẽ làm tăng thêm chi phí, nhưng ông Gabrielson cho biết các công ty phải cân bằng chi phí đó với rủi ro xảy ra gián đoạn nguồn cung trong tương lai.
“Doanh nghiệp phải tự hỏi là mình muốn kịch bản nào? Chúng ta sẽ giảm thiểu rủi ro cho cổ đông và khách hàng, hay chúng ta sẽ giảm thiểu chi phí? Doanh nghiệp đúng là đang lựa chọn, nhưng sự thay đổi sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều,” ông nói.
Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về quản lý chuỗi cung ứng do Đại học Pittsburgh (Mỹ) tổ chức vào tháng 3 vừa qua, bà Heidi Landry, Giám đốc mua hàng của Johnson & Johnson MedTech, cho biết J&J MedTech (doanh nghiệp trong lĩnh vực sản phẩm chăm sóc sức khỏe) đang nỗ lực đánh giá rủi ro tốt hơn trong mạng lưới các nhà cung cấp toàn cầu của mình sau sự gián đoạn của đại dịch. Bà cho biết, chương trình này nhằm mục đích “duy trì cơ sở cung cấp liên tục và quản lý rủi ro để giúp cho doanh nghiệp có thể tiếp cận ở quy mô toàn vầu với các mặt hàng thuốc và thiết bị chăm sóc sức khỏe”.
Những quy định mới
Mặt khác, việc nhiều chính phủ đang siết chặt các quy định về môi trường và cắt giảm lượng khí thải carbon của các công ty khiến nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng trở nên phức tạp hơn.
Tại Mỹ, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch (SEC) đang thúc đẩy kế hoạch yêu cầu các doanh nghiệp tiết lộ không chỉ lượng khí thải carbon của họ, mà còn cả từ nhà cung cấp của họ, và đến cả nhà cung cấp cho nhà cung cấp đó, nội dung được gọi là Khí thải Phạm vi 3.
Ông Gabrielson bình luận: “Tính bền vững làm tăng thêm mức độ phức tạp và tăng thêm chi phí”.
“Nạn nhân” lớn nhất trong các chiến lược chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch có thể chính là mô hình sản xuất tức thời (Just-in-time), chú trọng hàng tồn kho tinh gọn để cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả chung cho chuỗi cung ứng.
Sau khi chứng kiến giai đoạn thiếu hụt sản phẩm và tình trạng gián đoạn hoạt động nhà máy từ Việt Nam đến miền trung tây nước Mỹ vì thiếu linh kiện trong đại dịch, các doanh nghiệp từ hãng xe Nissan cho đến tập đoàn đồ uống PepsiCo giờ đây cho rằng sự tập trung vào tính hiệu quả cao của chuỗi cung ứng có thể đang giảm xuống khi doanh nghiệp bắt đầu nhận ra giá trị của hàng tồn kho đệm (buffer stock).
Ông Gabrielson cho biết doanh nghiệp rồi sẽ thích nghi theo thời gian, sản xuất nhiều hàng tồn kho đệm hơn trong khi quản lý rủi ro theo những cách khác, chẳng hạn như bổ sung thêm nhiều nhà cung cấp. Ông nhận định doanh nghiệp sẽ không từ bỏ hoàn toàn mô hình sản xuất tức thời, và kết luận rằng chiến lược khu vực hóa hoạt động sản xuất cũng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thiếu hụt nguồn cung nhờ các dây chuyền cung ứng không ở quá xa nơi sản xuất.
‘Bài học quan trọng nhất’
Giáo sư Yossi Sheffi, giám đốc Trung tâm Vận tải và Logistics của Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết việc tăng cường áp dụng công nghệ trong giai đoạn đại dịch để đẩy nhanh hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa sẽ có tác động lâu dài đến chuỗi cung ứng.
Ông cho biết, nhưng tác động lớn hơn sẽ đến khi các doanh nghiệp đánh giá cách họ phản ứng và thích nghi với đại dịch. Giáo sư Sheffi chỉ ra các công ty hàng tiêu dùng đã nhanh chóng điều chỉnh lại chuỗi cung ứng bằng cách cắt giảm một số dòng sản phẩm, thiết lập lại nguồn cung ứng và sử dụng các công cụ khác để phục hồi sau khi rơi vào tình trạng thiếu hụt giai đoạn đầu đại dịch.
“Doanh nghiệp đã học được rất nhiều điều mà trước đó họ không nghĩ là họ sẽ làm. Và điều này có nghĩa là doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn những gì họ nghĩ là có thể,” vị giáo sư kết luận. “Họ đã học được cách để trở nên linh hoạt, và đó có thể chính là bài học quan trọng nhất.”
Nền Logistix | Trung Tuân / Theo Wall Street Journal