Categories
TIN TỨC

Cơ hội của vận chuyển đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu

Trong khi các tuyến vận tải qua Biển Đỏ gián đoạn, gây ra khủng hoảng hậu cần toàn cầu, Trung Quốc lại có lợi thế nhờ tuyến tàu chở hàng Trung Quốc – châu Âu.

Biển Đỏ là một trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng cho thương mại đến Tây Âu và Mỹ. Từ tháng 11/2023, các cuộc tấn công tàu thuyền trong vùng biển này liên tục diễn ra, khiến nhiều hãng tàu phải đình chỉ tuyến Biển Đỏ qua kênh đào Suez và đi đường vòng qua Mũi Hảo Vọng.

Vào thời điểm các tuyến đường biển lớn bị gián đoạn và an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, tuyến đường sắt chở hàng Trung Quốc – châu Âu, tuyến đường từng bị công kích là phương thức vận tải mang tính biểu tượng, trở thành tâm điểm chú ý.

Các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc-châu Âu chở hàng hóa xếp hàng tại cảng biên giới Horgos. [Ảnh/Tân Hoa Xã]

Các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc – châu Âu chở hàng hóa xếp hàng tại cảng biên giới Horgos. Ảnh: Tân Hoa Xã

So với vận tải đường biển, ưu điểm nổi của tuyến tàu chở hàng Trung Quốc – châu Âu là sự ổn định. Giám đốc điều hành của Maersk đã cảnh báo về những hậu quả tiêu cực lan rộng của việc đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng tới chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu. Ngược lại, vận tải đường sắt xuyên Á – Âu lại đáng tin cậy hơn.

Theo báo cáo do Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 2, phí vận chuyển từ Thượng Hải đến châu Âu qua kênh đào Suez đã tăng khoảng ba lần kể từ tháng 11/2023, khiến tuyến này không còn lợi thế về giá so với tàu chở hàng Trung Quốc – châu Âu.

Là huyết mạch kết nối chất lượng cao trong sáng kiến Vành đai và Con đường, các chuyến tàu tốc hành Trung Quốc – châu Âu đã đến 219 thành phố ở 25 quốc gia châu Âu. Nó mở ra hành lang vận tải đường bộ và cầu nối mới cho hợp tác kinh tế và thương mại ở Á – Âu, đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng hậu cần quốc tế linh hoạt, tạo động lực mới cho sự phát triển của hai lục địa này.

Một chuyến tàu chở hàng khởi hành từ Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, vào ngày 28/12/2023. [Ảnh/VCG]

Một chuyến tàu chở hàng khởi hành từ Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, vào ngày 28/12/2023. Ảnh: VCG

Tại Trung Quốc, Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc đang tập trung xây dựng một trung tâm cho chuyến tàu chở hàng Trung Quốc – châu Âu. Liu Ruiling, Tổng giám đốc của Cảng đất liền quốc tế ở Hà Bắc cho biết, một công ty ở Thạch Gia Trang, chuyên về đồ chơi trẻ em và xe đạp điện, trước đây phải đối mặt với những thách thức về hậu cần vì xuất khẩu của họ chỉ dựa vào vận tải đường biển. Container phải vận chuyển từ cảng biển về nhà máy để bốc hàng trước khi đưa về cảng xuất khẩu, dẫn đến chi phí logistics tăng.

“Với việc thành lập cảng đất liền quốc tế ở Thạch Gia Trang, công ty đã chuyển sang dịch vụ tàu chở hàng Trung Quốc – châu Âu, giúp tiết kiệm hơn 2 triệu nhân dân tệ (277.800 USD) cho dịch vụ hậu cần”, Liu chia sẻ.

Ngoài ra, trong khi vận tải đường biển từ châu Âu mất 40 ngày, tàu chở hàng Trung Quốc – châu Âu chỉ mất 15 ngày.

Theo ông, việc giảm đáng kể thời gian vận chuyển không chỉ giúp tiết kiệm chi phí hậu cần mà còn cải thiện vòng quay vốn và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm cho doanh nghiệp.

Tàu chở hàng Trung Quốc – châu Âu bắt đầu hoạt động từ năm 2011. Tính đến cuối tháng 1, tuyến này đã có hơn 85.000 chuyến. Theo Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, 17.000 chuyến đã được vận hành vào năm ngoái, vận chuyển 1,9 triệu container.

Tuệ Anh (theo China Daily)