Categories
TIN TỨC

Doanh nghiệp logistics chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa chi phí

 Chuyển đổi số nhằm tiết giảm chi phí là một trong những nội dung được các doanh nghiệp logistics đề cập khá nhiều tại Tọa đàm “Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy XNK hàng hóa”, do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 6/4.

Giao diện của hệ thống tham quan thực tế ảo các kho của U&I Logistics
Giao diện của hệ thống tham quan thực tế ảo các kho của U&I Logistics.

Phát triển ứng dụng công nghệ

Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp logistics tối ưu hóa chi phí, tăng năng suất giao hàng và cung cấp các dịch vụ làm hài lòng khách hàng. Theo ông Thành, để giải quyết vấn đề này, nhiều doanh nghiệp trong ngành logistics đã ứng dụng công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, big data và internet vạn vật kết nối để mở rộng quy mô, cung cấp các dịch vụ giao hàng an toàn, thú vị đồng thời tối ưu hóa chi phí hay thậm chí xác định thêm các dòng doanh thu mới.

Cụ thể, các nền tảng quản lý hoạt động logistics được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo và tự động hóa cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí giao hàng, cải thiện việc sử dụng tài nguyên, đảm bảo đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác đồng thời thúc đẩy khả năng mở rộng quy mô nhanh chóng.

Bên cạnh đó, các công cụ lập kế hoạch lộ trình do trí tuệ nhân tạo cung cấp có thể xem xét các yếu tố bao gồm chi phí, mức tiêu thụ nhiên liệu, hậu cần bên thứ ba (3PL), hiệu suất, khối lượng đặt hàng, kiểu và loại giao hàng, khoảng cách… để tạo ra lộ trình giao hàng hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Điều này làm giảm chi phí hoạt động và tăng lợi nhuận trên mỗi đơn hàng.

Ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp các doanh nghiệp có thể giảm 14% chi phí giao hàng chặng cuối và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%. Ngoài ra, những công nghệ đột phá này cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa hơn nữa chi phí và tăng năng suất giao hàng bằng cách lập kế hoạch thông minh về tuyến đường để đảm bảo có nhiều lượt nhận và trả hàng.

Các hoạt động phân phối cốt lõi như phân bổ nhiệm vụ, lập lịch, quản lý danh sách, thanh toán cho tài xế, lựa chọn 3PL đều có thể ứng dụng tự động hóa. Không chỉ làm giảm chi phí, tự động hóa giúp các doanh nghiệp logistics quản lý trên quy mô lớn.

Các công cụ quản lý hoạt động logistics dựa trên trí tuệ nhân tạo và tự động hóa có thể tiết kiệm 56% thời gian trong quy trình xử lý lô hàng. Đồng thời, công nghệ giúp giảm 65% quy trình nhập dữ liệu thủ công và tiết kiệm 77% các bước để thực hiện hoạt động vận chuyển.

Việc đầu tư công nghệ theo định hướng phát triển dài hạn và theo chuẩn quốc tế giúp liên kết dễ dàng với hoạt động logistics toàn cầu.

Theo bà Đặng Thị Bích Loan, Giám đốc Công ty TNHH Kho vận Mekong, với vai trò là người gác cửa nền kinh tế, ngành Hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển ngành logistics Việt Nam. Công ty TNHH Kho vận Mekong kiến nghị ngành Hải quan cần chuyển đổi số, số hóa quy trình nghiệp vụ nhanh hơn, tinh gọn hơn để các DN logistics hoạt động hiệu quả hơn.

Hiện đại hóa thủ tục giao nhận hàng

Nhằm cải thiện hơn nữa tốc độ xử lý thủ tục, quy trình giao nhận và thanh toán, giảm thiểu sai sót và tăng trải nghiệm khách hàng, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí sản xuất cho doanh nghiệp XNK, cho hãng tàu và cảng, chi phí chung cho xã hội, hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ giao thông, đồng thời góp phần hạn chế sử dụng giấy, giảm phát thải, bảo vệ môi trường, Tân cảng Sài Gòn đã phát triển Hệ sinh thái số với các sản phẩm: cảng điện tử ePort cho phép doanh nghiệp thực hiện hầu hết các khai báo hàng hóa như giao nhận container, đăng ký tàu xuất, đăng ký cắt bấm seal, rút hàng, tra cứu thông tin vị trí container, tình trạng thông quan… và thanh toán online; Hệ thống quản lý kho hàng điện tử EWMS cho phép quản lý, theo dõi tình trạng hàng hóa an toàn, hiệu quả, giúp doanh nghiệp chủ động về thời gian, tiết kiệm chi phí, đáp ứng những tiêu chuẩn của các tập đoàn lớn trên thế giới…

Trong tương lai, Tân cảng Sài Gòn tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các ứng dụng số, đảm bảo đồng bộ thông tin trong toàn hệ thống, giúp tăng cường kiểm soát, tối ưu quản lý và tiến tới tự động hóa quy trình, tự động hóa cảng, hỗ trợ thiết thực cho hoạt động logistics, góp phần đưa giá trị Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Kinh Doanh cước quốc tế đường hàng không Công ty Cổ phần Logistics U&I cho biết, trong phát triển logistics, đa phần mọi người đang nói về hạ tầng đường biển, đường hàng không nhưng ít thấy ai đề cập về hạ tầng mạng. Trong giai đoạn công nghiệp 4.0, các đơn vị hải quan cũng như doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuyển đổi số. Nếu doanh nghiệp không quan tâm đến hạ tầng mạng internet thì sẽ diễn ra tình trạng kẹt mạng giống như tình trạng kẹt xe. Thời gian qua, cơ quan Hải quan đã có nhiều cải cách hiện đại hóa. “Tuy nhiên, trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng logistics, cơ quan Hải quan cần quan tâm hơn nữa đến hạ tầng mạng. Nếu hạ tầng mạng của hải quan không đáp ứng được sẽ dẫn đến sự tắc nghẽn. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến sự lưu chuyển hàng hóa của doanh nghiệp”- ông Tuấn kiến nghị.

Để làm chủ hoạt động vận hành, phục vụ nhanh chóng, hiệu quả hơn, Công ty CP Logistics U&I đã ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng các hệ thống quản lý nghiệp vụ theo nhu cầu đặc thù của khách hàng như: quản lý kho, quản lý vận tải, quản lý vận hành tập trung, quản lý nhân sự, quản lý quan hệ khách hàng… và phân tích thông minh. Việc này đã tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển và thời gian quản lý hàng hóa, giảm chi phí phân phối và lưu kho, tăng khả năng hiển thị chuỗi cung ứng, cắt giảm chi phí hành chính và lỗi hóa đơn, theo dõi chính xác hoạt động giao nhận vận tải trên một nền tảng.

Nhóm PV